Burma 2016: Theo dấu ngày cũ (Phần 3-Buổi sáng ở Rangoon)

Cả hai lần đến Burma, tôi đều không tính Rangoon vào lịch trình, mà chỉ coi nơi đây như trạm trung chuyển tới những vùng đất khác. Có thể do tôi chưa có thời gian tìm hiểu kĩ về đô thị này, hoặc do quá nhiều những hình ảnh chùa chiền của Rangoon mà các bạn tôi chụp lại sau mỗi chuyến đi khiến tôi không thực sự hứng thú và bỏ qua mất một điều; ngoài việc đã từng là trung tâm hành chính và tôn giáo của Burma, Rangoon trong quá khứ còn là một trong những đô thị sầm uất nhất phương Đông, là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh Quốc và một số nước phương Tây khác. Mặc dù đã tàn lụi theo thời gian, dấu tích của những nền văn hoá này vẫn còn rất rõ rệt trong từng đường nét kiến trúc, trang phục, cách thức kinh doanh và lối sinh hoạt của thị dân nơi đây. Chỉ một buổi sáng đi bộ quanh khu Kyauktada, khu vực trung tâm của Rangoon, tôi như được lạc vào một lễ hội carnival rực rỡ sắc màu, nơi những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc nhất đến từ những sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây. Có lẽ sức sống của một đô thị được biểu hiện mạnh mẽ và trong trẻo nhất là khi mặt trời lên.

Advertisement

Burma 2016: Theo dấu ngày cũ (Phần 2-Tàu thư vận Lashio qua cầu Gokteik)

Sáng hôm sau, tôi bắt xe ôm ra ga Pyin Oo Lwin từ sớm để có vị trí ngồi thuận lợi cho việc quan sát và chụp ảnh cầu Gokteik, vì không thể mua vé trước và chọn chỗ qua mạng. Quầy vé bắt đầu mở bán từ 7h30. Thường tàu sẽ tới ga gần nửa tiếng sau đó và rời ga lúc 8h22. Ngay cạnh ga có một chợ cóc nhỏ nên sau khi mua vé xong tôi vòng ra chợ ăn sáng và dạo quanh chụp hình.

Những nhà sư đi khất thực buổi sáng
Ông già người Burma gốc Ấn tôi đứng nói chuyện cùng trong lúc chờ tàu

Trong ngày chỉ có hai chuyến tàu, tàu Ngược (số hiệu 131Up) khởi hành từ Mandalay lúc 4h sáng, dừng lại ở Maymyo vào khoảng 8h20 và dừng tại ga cuối Lashio vào 7h30 tối. Tàu Xuôi (số hiệu 132Dn) khởi hành ngược lại từ Lashio lúc 5h sáng, dừng tại Maymyo lúc 4h chiều và đến Mandalay vào 10h40 tối. Đa phần du khách sẽ không đi hết toàn bộ hành trình giữa Lashio và Mandalay bằng tàu hoả vì tàu chạy khá chậm và không hề êm ái chút nào. Tôi nói đùa với cô bạn người Ba Lan ngồi đối diện là nếu đi tàu này thường xuyên sẽ có được cơ thể săn chắc hơn đi tập gym, vì phần lớn thời gian ngồi trên tàu sẽ có cảm giác như đang bị nhét vào lồng giặt của một chiếc máy giặt khổng lồ không ngừng rung lắc với nhịp lên xuống, trái phải đều đặn. Đa phần các bạn du khách ngồi cùng khoang với tôi đều tỏ ra khá thích thú với việc này.

Đoàn tàu đi qua những sườn đồi trù phú của cao nguyên Shan

Toa của tôi đa phần là du khách và người Burma trẻ nên sau khi tàu chuyển bánh được một lúc, tôi liền cầm máy đi sang các toa khác. Ở đó tôi đã bước vào một thế giới khác, bình dân, sinh động với những bức chân dung muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, và cả những dáng ngủ rất hiền.

Sau hơn ba tiếng lắc lư trên tàu, những trụ thép sừng sững của cây cầu Gokteik cuối cũng đã hiện ra trước mắt. Cầu Gokteik được ghi nhận là cây cầu đường sắt lớn nhất thế giới, ở thời điểm hoàn tất thi công năm 1901. Đây cũng là cây cầu cao nhất Burma với tầm cao hơn 100m, tương đương với một toà nhà 30 tầng. Đúng như Paul Theroux đã mô tả trong cuốn The Great Railway Bazaar, cây cầu như một con quái vật bằng thép, ngạo nghễ thách thức thời gian và thiên nhiên hùng vĩ. Băng qua vực Gokteik hun hút sâu, cảm giác choáng ngợp quen thuộc lại xuất hiện như trong những lần đi qua những cây cầu bắc ngang dòng sông mẹ Mekong vĩ đại. Con người mong được sánh cùng thiên nhiên, có lúc tưởng như đã chinh phục được thiên nhiên bằng những công cụ chúng ta tạo ra. Nhưng khi đứng trước thiên nhiên vĩ đại, con người bỗng giật mình nhận ra và trở về với vị trí nhỏ bé của mình, khôi phục lại sự tôn kính cần có trước núi sông rừng biển.

(Còn tiếp)

Burma 2016: Theo dấu ngày cũ (Phần 1-Phim hành động ở Rangoon và Craddock Court)

Nửa năm kể từ những ngày tháng miên man trong hội hè ánh sáng, tôi trở lại Burma những ngày đầu tháng Năm nắng nóng ngột ngạt, như thể muốn làm mọi thứ bốc hơi. Tháng Năm quả không phải thời điểm lý tưởng để thăm thú đất nước Phật giáo này. Tuy vậy có một số vùng đất được những người Anh thuộc địa chọn làm nơi tránh cái nóng khắc nghiệt của mùa hè thuộc địa và dựng lên những thị trấn sườn đồi (hill station) với khí hậu mát mẻ quanh năm ở độ cao từ 1000–3000m trên mực nước biển. Nếu Việt Nam có Đà Lạt, Sa Pa hay Tam Đảo thì ở Burma là Kalaw và Pyin Oo Lwin. Tôi chọn Pyin Oo Lwin, phần vì trót phải lòng cái không khí dễ chịu và nhịp sống thong thả của những thị trấn sườn đồi như tôi đã phải lòng Đà Lạt, phần vì cái tên lãng mạn Maymyo (May town — thị trấn tháng Năm) mà những người Anh thuộc địa đã dành cho vùng đất này. Nhưng lý do chính bắt đầu từ những trang nhật ký của Paul Theroux trong chuyến hành trình bằng xe lửa từ châu Âu qua châu Á được tập hợp lại trong cuốn The Great Railway Bazaar. Trong chặng dừng chân tại Burma, Paul chỉ có một mục đích duy nhất: hành trình xe lửa từ Rangoon qua Mandalay và Maymyo tới Lashio băng qua hẻm núi Gokteik, nơi có cây cầu cạn đường sắt vĩ đại Gokteik Viaduct, được công ty thép Pennsylvania của Mỹ xây dựng năm 1899 cho thực dân Anh. Nhưng trước khi tới được Maymyo, tôi còn có một cuộc phiêu lưu nho nhỏ cần được kể.

Sau khi suýt bị trễ chuyến bay, tôi hạ cánh xuống Rangoon vào giữa trưa nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C nhưng cảm giác nóng còn hơn thế. Tôi vội vã bắt taxi tới bến xe Aung Mingalar với hy vọng kịp mua tấm vé xe đêm đi Maymyo. Rất may lần này tôi mua được vé VIP bus của hãng Mingalar Minn, một hãng xe lớn và uy tín ở Burma chứ không đen đủi như lần trước, phải mất hai tiếng đồng hồ đi bộ khắp bến xe mới kiếm được một tấm vé xe chợ đi Nyaung Shwe do đợt cao điểm mùa lễ hội.

Sau khi đã chắc trong tay tấm vé, tôi thong thả bắt taxi vào trung tâm Rangoon. Thời tiết quá nắng nóng để có thể đi bộ ngoài đường hơn 15 phút. Tôi dành phần lớn thời gian trong các nhà hàng và tiệm giải khát để tránh cái nóng ban ngày. Vốn quen với những việc vào phút chót, tôi đủng đỉnh ăn tối đến 7h40 mới bắt đầu rời quán kiếm taxi chạy về bến xe. Sau khi thoả thuận giá cả và ngồi lên xe đồng hồ chỉ 7h45. Cậu lái taxi sau khi tôi cho xem vé và thấy giờ khởi hành là 8h30 liền lắc đầu, ý là mày sẽ không đến kịp đâu. Vốn bản tính lạc quan (và cũng không còn cách nào khác), tôi vỗ vai cậu và nói tao tin mày làm được, cố lên. Quãng đường từ nhà hàng nơi tôi ăn tối đến bến xe là hơn 15 cây số, và tôi đã quên dự trù việc tắc đường.

Sau khi băng băng được vài cây số, xe của chúng tôi bắt đầu rơi vào những làn ô tô dài đằng đẵng nối nhau chậm chạp tiến qua điểm giao cắt của xa lộ. 8h10. Tôi bắt đầu thấy sốt ruột và tìm cách liên lạc với nhà xe, thông qua cậu lái xe gọi điện theo số điện thoại ghi trên vé. Nhìn phản ứng của cậu thì có vẻ như cậu đã liên lạc được và xe sẽ chờ thêm ít phút. Tôi tạm an tâm phần nào.

8h37. Taxi đã đến được bến xe. Tôi vội vã chạy về phía bãi đỗ của Mingalar Minn, cậu lái taxi cũng theo sau, bảo tôi đưa vé cho cậu hỏi nhân viên của hãng. Xe đã khởi hành được năm phút. Vậy là họ đã không chờ tôi. Cũng khó mà trách được vì bến xe quá đông nên không thể giữ chỗ trễ hơn thời gian khởi hành được, sẽ ảnh hưởng đến các xe khác.

Đang chưa biết làm thế nào thì cậu lái taxi ra hiệu cho tôi lên xe. Chúng tôi sẽ đuổi theo chiếc xe kia. Sau hơn 15 phút chạy với tốc độ gần 100km/h trên đường cao tốc vẫn không thấy dấu chiếc xe khách ở đâu thì ngay sau đó, các xe phía trước bắt đầu đi chậm lại để qua trạm thu phí. Và chiếc xe màu đỏ của Mingalar Minn đang ở ngay trước mặt. Cậu lái taxi vội vàng vẫy tài xế dừng lại để tôi lên xe. Tôi chỉ kịp rối rít cảm ơn cậu lái taxi rồi nhảy vội lên xe. Những bộ phim hành động rượt đuổi bằng ô tô tôi đã từng xem giờ trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Sau gần 11 tiếng trên xe, cuối cùng tôi đã đến được Maymyo. Những vất vả của ngày đầu tiên sớm trôi đi khi tôi đặt chân vào khuôn viên của khách sạn Orchid Nan Myang, nơi tôi sẽ ở trong hai ngày tới. Khách sạn Orchid Nan Myang có tên cũ là Craddock Court, được xây dựng năm 1914 để làm nơi nghỉ dưỡng của giới chức thuộc địa Anh. Khuôn viên khách sạn gồm bốn khối nhà lớn được xây theo lối kiến trúc cottage thuộc địa Anh trải rộng trên một diện tích hơn 6000 m2 với cây cổ thụ, vườn tược rực rỡ các loại hoa và rộn tiếng chim hót. Bước vào nơi đây có cảm giác như được du hành vượt thời gian về lại những năm 20 của thế kỉ trước và trải nghiệm cuộc sống của những người Ăng-lê thuộc địa. Và, vì khuôn viên quá rộng lớn, khoảng cách giữa các căn nhà khá xa nhau và mỗi phòng rộng tầm 50m2 nên đôi khi đêm xuống có cảm giác được ở chung phòng cùng với ‘họ’.

(Còn tiếp)

Burma 2015: Hướng sáng (P2)

Sau khi đã tham khảo các phương án di chuyển đến Taunggyi, bọn tôi quyết định thuê chung một chiếc taxi bảy chỗ cùng với năm người khác, chia nhau 16,000 kyat mỗi người. Lái xe chở chúng tôi đi từ năm giờ chiều, đợi và đưa về vào nửa đêm. Cũng là một mức giá chấp nhận được trong hoàn cảnh cao điểm lễ hội, và cũng thoải mái hơn là chen chúc trên xe pick-up cùng với khoảng ba chục người khác mà vẫn phải bỏ ra số tiền tương đương.

Đêm chúng tôi đi cũng là đêm thứ tư của bảy ngày lễ hội, là một trong những đêm khinh khí cầu được thả nhiều nhất, và cũng không quá đông như đêm sau đó, là đêm lớn nhất của lễ hội. Nhưng áng chừng cũng phải có đến 10,000 người tập trung tại khoảng không rộng gấp bốn lần một sân bóng đá tiêu chuẩn.

Ngoài việc thả khinh khí cầu, khu vực tổ chức lễ hội cũng có nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác như khu hội chợ với các sân khấu và cả hộp đêm di động được các hãng rượu tổ chức. Tất nhiên không thể thiếu các hàng quán bán đủ loại đồ ăn phục vụ người đi hội.

Một cô gái bán loại đồ ăn khá giống với cơm lam của Việt Nam, tuy nhiên gạo được nghiền thành bột chứ không còn nguyên hạt

Một điều thú vị là đêm đó cũng diễn ra buổi diễn của ban nhạc rock rất được người dân Burma yêu thích là Iron Cross. Ban nhạc có hai anh em được sinh ra ở Inlay, bang Shan nên đây là đêm diễn phục vụ bà con dịp lễ hội và không bán vé.

Khi ban nhạc kết thúc buổi diễn cũng là lúc quả khinh khí cầu đầu tiên được thả lên. Khí cầu của các doanh nghiệp được thả trước có đuôi kết bằng hàng trăm ngọn nến nhỏ và được xếp thành hình logo hoặc tên doanh nghiệp.

Việc phối hợp để đưa hàng trăm ngọn nến được nối với nhau bay lên không hề đơn giản.
Khí cầu của KBZ, một doanh nghiệp lớn và đa nghành của Burma.
Khí cầu của một kênh radio.

Cảm thấy nhìn từ xa không đã mắt nên tôi tò mò tiến vào phía đám đông nơi quả khinh khí cầu tiếp theo đang được chuẩn bị. Thường mỗi quả khinh khí cầu do một đội từ 15 đến 20 người làm trong 2–3 tháng. Mỗi quả khí cầu thường mang theo hàng chục cân pháo hoa và sẽ được khai hoả khi khí cầu bay lên được vài mét. Nhiều trường hợp pháo hoa nổ quá sớm và bay thẳng vào đám đông bên dưới, hoặc khí cầu bốc cháy rơi thẳng xuống khá nguy hiểm. Năm ngoái lễ hội đã có đến 4 người chết và hơn chục người bị thương vì bỏng khi khí cầu rơi (*).

Khí cầu được chở trên xe bán tải đến khu vực thả. Các thành viên trong nhóm nắm tay tạo thành vòng tròn để mở đường cho xe tiến vào.
Đám đông ngóng đợi khinh khí cầu được thả lên.
Các nhà sư cũng hướng tầm nhìn về khu vực thả khí cầu.
Các nhà sư tỏ ra khá am tường công nghệ.
Đám đông nhảy múa tưng bừng để chào đón khí cầu chuẩn bị thả phóng lên.

Khi khí cầu bắt đầu bay lên cũng là lúc pháo hoa nổ tung khắp tứ phía. Cảm giác đứng ngay dưới khí cầu khi pháo hoa nổ vừa sợ vừa phấn khích. Có thể do bị ảnh hưởng phim ảnh hơi nhiều, nhưng lúc đó tôi cảm thấy như có một chiếc trực thăng bay ngay trên đầu mình tấn công bằng súng máy. Rất Apocalypse Now.

Khi khí cầu đã bay cao, đám đông lại tản ra kiếm chỗ ngồi nghỉ đợi lần phóng tiếp theo. Nhiều người mang theo cả chăn đắp và kịp có một giấc ngủ ngon.

Lễ hội khinh khí cầu ở Taunggyi có thể không có những hình ảnh lung linh huyền ảo như lễ hội Loi Krathong ở Chiang Mai, nhưng tôi đã có một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ và một cuộc phiêu lưu nhỏ đủ để làm tăng độ liều trong máu cho những chuyến phiêu lưu tiếp theo.

(Hết phần 2) | Xem lại phần 1

Burma 2015: Hướng sáng (P1)

Đã hơn một năm chưa đi xa, hơn một năm trở lại với cuộc sống agency. Đã bắt đầu cảm thấy ì ạch, lười và ngại những chuyến đi xa. Đó cũng là lúc bản thân cần một cú hích để tỉnh táo trở lại và sẵn sàng cho những kế hoạch mới. Tôi tìm đến với Burma, tháng Mười một của ánh sáng.

Không có nhiều thời gian như chuyến đi trước, tôi quyết định dành chín ngày nghỉ phép để lần theo hai nguồn sáng: lễ hội ánh sáng Tazaungdaing tại Taunggyi và ánh mặt trời lên xuống trên những ngôi đền gạch đỏ phơi dấu thời gian của thành cổ Bagan.

Chắc hẳn đa phần những người có máu xê dịch đều có biết đến lễ hội ánh sáng Loy Krathong tại Chiang Mai, Thái Lan đầy lung linh huyền ảo với hàng ngàn chiếc đèn trời được thả lên không trung. Khung cảnh như trong truyện cổ tích đó cũng đã được các nhà làm phim của Walt Disney tái hiện trong một phân cảnh kinh điển của bộ phim Tangled. Tuy nhiên không nhiều người biết đến một lễ hội ánh sáng khác cũng được diễn ra vào rằm tháng Tám theo lịch Burma (tháng Tazaungmon) là lễ hội Tazaungdaing, lễ hội đánh dấu kết thúc kỳ an cư mùa mưa (Vassa) của các nhà sư phật giáo Nam Tông.

Lễ hội ánh sáng Tazaungdaing diễn ra trên khắp cả nước Burma nhưng có lẽ sự kiện sôi động nhất chính là lễ hội Khinh khí cầu tại Taunggyi, bang Shan, cách thị trấn Nyaung Shwe nơi có thắng cảnh hồ Inle nổi tiếng, tầm 40km.

Mặc dù không được nhiều du khách quốc tế biết đến, lễ hội Khinh khí cầu ở Taunggyi là một trong những lễ hội lớn nhất nước đối với người dân Burma. Nêu cũng dễ hiểu khi hầu hết nghỉ và khách sạn tại Taunggyi đều cháy phòng trong dịp này. Chính vì thế tôi quyết định nghỉ tại Nyaung Shwe, giá phòng rẻ hơn, nhiều lựa chọn hơn và cũng tiện thăm thú hồ Inle, hồ nước ngọt lớn thứ nhì Burma.

Hơn một ngày đầu tiên trên đất Burma là dành cho di chuyển. Từ Sài Gòn qua Rangoon, tôi may mắn kiếm được chiếc vé cuối cùng trên chiếc xe đêm ghế ngả xuất phát từ sáu giờ tối tại bến xe Aung Mingalar và đến Nyaung Shwe lúc năm giờ sáng. Một đêm khó chợp mắt với nhạc pop Burma xập xình và máy lạnh trên xe luôn để ở 18 độ C.

Vốn không có thói quen vội vàng đối với mỗi chuyến đi, tôi dành cả ngày hôm sau để nghỉ ngơi lấy lại sức cũng như tìm hiểu các phương án đi lại thăm thú sao cho tiết kiệm nhất và trải nghiệm được nhiều nhất.

Khi đi du lịch một mình, một trong những điều thú vị nhất là bạn có cơ hội làm quen với những người bạn mới từ khắp nơi trên thế giới, chia sẻ văn hoá, những câu chuyện, những góc nhìn mới, và không kém phần quan trọng là chia sẻ chi phí di chuyển và các gói tham quan. Mỗi chuyến đi tôi đều có thêm những người bạn mới, giữ liên lạc với nhau qua Facebook, theo dõi những chuyến đi của nhau, hẹn hò đưa nhau đi chơi khi người này ghé thăm đất nước của người kia.

Lần này ở khách sạn tại Nyaung Shwe tôi gặp Marc, đến từ Bordeaux. Cậu này mới nghỉ việc sau một thời gian sống và làm việc tại Budapest và chuẩn bị sang Canada bắt đầu công việc mới. Marc cũng ở lại Nyaung Shwe hơn ba ngày nên bọn tôi bàn nhau đi chung thuyền thăm hồ Inle và đi Taunggyi chơi lễ hội Khinh khí cầu. Ngày hôm sau tôi, Marc và bốn người bạn Marc quen từ trước trong chuyến đi trekking từ Kalow đến Nyaung Shwe, cùng nhau thuê thuyền đi hồ Inle. 4000 kyat mỗi người cho chuyến đi trọn một ngày từ sáng đến chiều tối là quá rẻ. Thuyền trưởng và hoa tiêu thuyền chúng tôi là Sule và Nini, đâu đó tầm 11–12 tuổi.

Mặc dù đã từng lênh đênh trên mặt hồ phẳng lặng xanh ngắt của Búng Bình Thiên, An Giang, hay thức giấc đón bình minh giữa mênh mông trời-nước của Biển Hồ Tonle Sap, cảnh sắc hồ Inle vẫn không khỏi khiến tôi thích thú. Có lẽ là do những rặng núi xen nhau quyện trong sương sớm, do những nhịp chèo bằng chân độc đáo của ngư dân Intha, những vườn cà chua xanh mướt nổi trên mặt hồ, hay cũng có thể bởi những làn khói bếp thả trôi mềm như lụa trong ráng chiều, nhắc nhở người đi xa chớ quên bữa cơm nhà mẹ nấu đợi.

Hết phần 1

Không phải kẻ lang thang nào cũng lạc lối

Tôi về lại Đà Lạt một sáng mùa thu tháng 10. Chiếc xe trung chuyển sau một hồi lòng vòng cùng tôi tìm địa chỉ của một khách sạn khá hẻo lánh trên đường Võ Trường Toản, cuối cùng đã bỏ cuộc và để tôi xuống giữa đường theo yêu cầu. Việc tìm địa chỉ theo số nhà tại Đà Lạt là một nhiệm vụ bất khả thi, vì số cũ và số mới cứ chồng chéo lên nhau, và những con đường đồi thì đầy lắt léo chứ không thẳng ô bàn cờ như khu trung tâm Hà Nội hay Sài Gòn.

Sau khi vòng đi vòng lại một hồi lâu, tôi nhận ra là mình đã mất phương hướng giữa ma trận số nhà của con đường này. Tuy nhiên không khí se lạnh của Đà Lạt buổi sáng mùa thu làm cho cái cảm giác mất phương hướng đó trở nên nhẹ nhàng và khoan khoái lạ lùng. Tôi quyết định ngừng tìm khách sạn kia và đi dạo một vòng.

Khi những tia nắng đầu tiên chạm mặt đất, hiện ra trước mắt tôi là một khoảng vườn nhỏ xanh mướt, xen lẫn màu đỏ của những khóm hoa anh túc, thắm như chân váy của nàng vũ nữ Carmen. Những cánh hoa anh túc được nắng sớm rọi vào càng thêm rực rỡ, đung đưa trước gió như lả lơi mời gọi đám ong đi làm ca sớm. Một bữa điểm tâm huy hoàng với ánh sáng và màu sắc là món chính. Một buổi diễn ngẫu hứng của thiên nhiên, dành riêng cho kẻ lang thang ngẫu hứng vô tổ chức nhưng lại thường gặp may. Hắn chỉ việc lấy máy ảnh ra gói ghém lại thứ ánh sáng và màu sắc huy hoàng đó, xếp lại một góc trong cái nhà kho chất đầy những ký ức sau mỗi chuyến đi.

Nói cho cùng, khi ta không còn quan tâm mình đi tới đâu, thì con đường nào chẳng dẫn đến đích.

All that is gold does not glitter,
Not all those who wander are lost;
The old that is strong does not wither,
Deep roots are not reached by the frost.

From the ashes a fire shall be woken,
A light from the shadows shall spring;
Renewed shall be blade that was broken,
The crownless again shall be king

- J.R.R Tolkien

Mekong 3321: Những ngôi làng trên sông (phần cuối)

Ngoại ô Siem Reap có ba ngôi làng nổi, theo thứ tự từ gần đến xa trung tâm thành phố là Chong Khneas (13km), Kampong Phluk (30km) và Kampong Khleang (50km). Cũng cùng thứ tự như thế về số lượng khách du lịch và mức độ thương mại hoá của mỗi ngôi làng.

Có lợi thế về phương tiện di chuyển, tôi chọn ghé thăm làng Kampong Khleang để tránh đám đông khách du lịch ồn ào và để thực sự tận hưởng vẻ đẹp yên bình và thuần khiết của nơi này.

Những con bò nhởn nhơ gặm cỏ ven quốc lộ 6 từ Siem Reap đi Kampong Khleang
Con đường đất đỏ cắt ngang quốc lộ 6 với những hàng cột đèn chỉ thường thấy ở trung tâm Siem Reap

Kampong Khleang là cộng đồng dân cư lớn nhất trên Biển Hồ với gần 2000 hộ dân, đầy đủ cơ sở vật chất từ trường học, trạm y tế, trạm điện đến các công trình tôn giáo. Và đặc trưng nhất là những ngôi nhà ‘chân dài’ của người Khmer được dựng ngay sát đất liền.

Gọi là nhà ‘chân dài’ vì những ngôi nhà ở đây không thực sự là ‘nhà nổi’, lên xuống theo nhịp nước Biển Hồ mà được dựng cố định theo kiểu ‘stilt house’, được đặt trên các cột chống cao từ 6 đến 8 mét. Khi mùa nước nổi tràn về, các cột này ngập sâu trong nước, nhà ‘chân dài’ biến thành nhà nổi.

Đám trẻ chơi bong bóng xà phòng trên đường vào làng

Vì tiếc tiền thuê xuồng máy ra phía ngoài khơi Biển Hồ để thăm những căn nhà nổi đúng nghĩa, tức là nhà được dựng trên thuyền bè và có thể di chuyển được của cộng đồng người Việt, tôi dựng xe đi bộ lang thang dọc những căn nhà ‘chân dài’ và chơi với đám trẻ ở đây. Hoá ra đó lại là quyết định đúng đắn vì chơi với trẻ con vui hơn nhiều, và cũng thật nhiều những khung hình thú vị.

Ngôi làng được phủ đầy nắng cuối chiều
Niềm vui giản đơn của lũ trẻ lúc cuối ngày
Ngắm chiều xuống trên Biển Hồ một mình đương nhiên là tĩnh lặng và yên bình hơn nhiều so với việc chen chúc ngắm hoàng hôn Angkor cùng với hàng ngàn người khác
(Chọn chế độ HD để xem video với chất lượng cao nhất)

Mekong 3321: Những ngôi làng trên sông (P2)

Rời Kampong Chhnang, tôi tiếp tục mải miết bám theo dòng nước Mê Kông, lần này là tới làng Kampong Luong, một làng nổi của cộng đồng người Việt nằm ven Biển Hồ Tonle Sap. Làng nằm cách trung tâm huyện Krakor từ 2 đến 7 cây số, tuỳ vào nhịp lên xuống của nước Biển Hồ. Những ai không đi xe máy có thể mua vé xe khách từ Phnom Penh đi Battambang rồi dừng giữa đường tại Krakor và bắt TukTuk đến bến đò để đi ra làng.

Gửi xe máy tại nhà của một gia đình người Khmer ngay bến đò, tôi vác ba lô và hành lý lên chiếc vỏ lãi(*) của một anh người Việt sống ở làng nổi Kampong Luong, đưa tôi ra nhà chú Bảy, như anh nói, là chỗ tôi sẽ ở homestay qua đêm trên hồ.

Nhà chú Bảy hiện ra trước mắt, khang trang và tiện nghi hơn những gì tôi tưởng tượng. Có vẻ nhà chú Bảy cho khách tây tàu ở homestay chỉ để…cho vui, vì nhà chú còn dùng vào nhiều mục đích khác. Căn nhà nổi vừa là nhà trọ, vừa là cửa hàng buôn bán sửa chữa điện thoại, là nhà hàng, là quán cà phê giải khát, là cửa hàng tạp hoá, là sàn discotheque của dân làng Kampong Luong mỗi dịp lễ lạt cưới xin.

Căn nhà nổi nhiều-trong-một của gia đình chú Bảy

Chú Bảy chạc tuổi bố tôi, người đậm và tầm thước. Chú sinh ra ở Campuchia nhưng đến năm 75 phải tạm lánh về Việt Nam trốn nạn diệt chủng Polpot, sống ở Đồng Tháp đến năm 80 thì về lại Campuchia và ở lại làng Kampong Luong đến giờ. Sẵn ngà ngà sau buổi nhậu mừng lễ Pchum Ben với dân làng, lại chẳng mấy khi mới có người từ Việt Nam sang ở, chú cứ hồ hởi ngồi kể tôi nghe hết chuyện này đến chuyện khác. Chú nói, nhà được bốn đứa con, thì cả bốn đều có gia đình riêng và lên bờ hết cả, nên chú tính bán căn nhà này đi để dọn về Phnom Penh cho gần con gần cháu.

Những ngày tôi rong ruổi trên đất Campuchia cũng trùng với thời điểm diễn ra lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Khmer, lễ Pchum Ben, hay gọi tắt là Pchum. Lễ Pchum đánh dấu sự kết thúc của kì an cư Kiết Hạ suốt 3 tháng mùa mưa của các Tỳ kheo (nhà sư) Phật Giáo Nam Tông. Lễ Pchum của Campuchia khá giống với lễ Vu Lan của Việt Nam, cũng là dịp để con cái bày tỏ lòng hiếu thảo và đáp đền ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ và ông bà tổ tiên. Người Campuchia dù bận rộn đến đâu cũng tạm gác lại công việc của mình để về báo hiếu cha mẹ. Ngày tôi ở nhà chú Bảy cũng là ngày mấy người con của chú về thăm nhà, thăm cha mẹ. Mỗi người một việc, luôn chân luôn tay làm căn nhà nhỏ trên hồ trở nên nhộn nhịp, đầm ấm hơn.

Tôi chụp hình cùng gia đình chú Bảy và Pete, cậu bạn người Ireland ở cùng nhà chú Bảy với tôi hôm đó
Nằm thảnh thơi đọc sách, trong khi hai bạn cún đang thiu thiu ngủ

Ngày hôm sau, tôi dậy đón bình minh từ sáng sớm. Buổi sáng trên làng Kampong Luong thật quá đỗi yên bình và thanh khiết, nhưng cũng không kém phần rộn ràng khí thế lao động với với những tiếng xuồng máy giòn giã của người dân đi đánh cá buổi sớm, hay miệt mài nhịp chèo khua của những con thuyền chở hàng hoá, thực phẩm đi khắp làng.

Bữa sáng trên hồ của đám chim chóc
Một thuyền chở đá giao cho các hộ trong làng để ướp cá đông lạnh
Nhịp sống thanh bình và yên ả của làng Kampong Luong

Sau hai ngày thả mình lênh đênh theo nhịp sống chậm rãi thảnh thơi giữa Biển Hồ, tôi rời Kampong Luong với không ít lưu luyến. Cái cảm giác vẫy tay chào tạm biệt gia đình chú Bảy làm tôi nhớ lại những lần về thăm nhà ít bữa, rồi lại lầm lũi xách ba lô chào bố mẹ ra đi.

Chú Bảy cứ dặn đi dặn lại, đến Battambang, rồi đến Siem Riep thì nhớ gọi điện về, cho chú và cả nhà an tâm.

(*)Vỏ lãi là một loại thuyền nhỏ và dài làm bằng nhựa composite, được coi là xe gắn máy của người dân miền sông nước.

Mekong 3321: Những ngôi làng trên sông (P1)

Chạy xe gần 100km từ Phnom Penh dọc theo quốc lộ 5 xanh ngát lúa hai bên đường, tôi dừng chân tại Kampong Chhnang, một thành phố nhỏ nằm bên bờ Biển Hồ Tonle Sap. Cùng với nhịp phát triển hối hả của Campuchia, trung tâm Kampong Chhnang đang bị biến thành một công trường lớn với ngổn ngang đất đá và mịt mù bụi đường. Nhưng khuất sau màn bụi công trường đó chỉ hơn một cây số là những ngôi làng chài yên bình của người Việt và người Khmer dọc bờ sông Tonle Sap.

Thả xe trôi chầm chậm qua ngôi làng nhỏ trong ánh chiều chạng vạng, kẻ lang thang cứ ngỡ mình vẫn còn đang ở một xứ Miền Tây nào đó của Việt Nam, với những cánh đồng vàng loang màu hoa điên điển, tiếng nhạc vũ trường rộn ràng phát ra từ những mái tranh thấp tối và cả lời mời “zô đây làm ly” của các đờn anh xóm chài.

Hầu hết nhà trong làng đều được lợp mái tôn khá chắc chắn
Nếu ở đất liền, mỗi nhà có một chiếc xe máy thì ở đây thuyền là phương tiện không thể thiếu
Gia đình này có vẻ hoàn cảnh nhất làng, tuy nhiên sự lạc quan thì không hề thiếu
Đám trẻ hồ hởi chào đón khi tôi dừng lại chụp ảnh
Bơi thuyền đi hái bông điên điển
Cánh đàn ông tưng bừng buổi nhậu mừng lễ Pchum Ben
Bé gái đứng ngóng mẹ và chị

Mekong 3321: Đi chợ buổi sáng ở Phnom Penh

Nằm bên sông Bình Di, biên giới tự nhiên giữa 2 nước Việt Nam — Campuchia là cửa khẩu Khánh Bình, một cửa khẩu nhỏ và tương đối vắng vẻ so với các cửa khẩu khác của An Giang như Tịnh Biên hay Vĩnh Xương. Tôi khá ngạc nhiên khi thủ tục hải quan cho con ngựa sắt của mình được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng đến thế (tất nhiên là đã kèm theo một khoản lệ phí nho nhỏ). Anh bạn cảnh sát xuất nhập cảnh còn niềm nở hỏi thăm “Anh từ Hà Nội vào đấy à”. Trước đó khi tìm hiểu thông tin cho chuyến đi, tôi khá lo về việc làm thủ tục tạm nhập tái xuất cho xe máy vì thông tin từ những người đi trước cũng đã khá cũ, không còn cập nhật. Hơn nữa Khánh Bình là một cửa khẩu nhỏ và mới, dân phượt thường hiếm khi chạy xe vượt biên theo hướng này. Rất may máu liều của tôi đã không phải trả giá bằng việc phải vác xe quay lại Châu Đốc tìm đường khác.

Từ cửa khẩu Khánh Bình chỉ mất khoảng 70 cây số để đến được thủ đô Phnom Penh, qua cửa khẩu Chraythom, men theo phần thượng nguồn của con sông Hậu, mà phía Campuchia gọi là sông Bassac. Đây là lộ trình ngắn nhất từ biên giới Việt Nam đến Phnom Penh, đối với cả đường thuỷ và đường bộ.

Thời gian dành cho Phnom Penh chỉ có 2 ngày rưỡi, nên tôi quyết định sẽ không đi thăm chùa chiền hay bảo tàng, mà dành để đi chợ. Đi chợ Kandal buổi sáng, như một người Phnom Penh thứ thiệt.

Chợ Kandal đông đúc và náo nhiệt ngay từ 5 rưỡi — 6 giờ sáng, tập trung chủ yếu người dân Phnom Penh mua sắm thức ăn cho cả gia đình. Nằm ngay cạnh khu phố Tây Sisowath Quay bên bờ sông Tonle, chợ Kandal là chợ nông sản lớn nhất Phnom Penh với đa dạng các loại hoa quả nhiệt đới đặc trưng của Campuchia, cũng như các loại tôm cá được đánh bắt từ 3 con sông lớn, Tonle, Mekong và Bassac.

Điều thú vị là khi đi sâu vào chợ, tôi gặp rất nhiều hàng quán của người Việt, từ quán ăn sáng, cà phê nước giải khát đến uốn tóc làm đầu.